News

Tin tức

Thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng: Triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng - 3

Thứ bảy, 19/08/2023, 20:50

Theo đại diện Bộ Công Thương đây là thời điểm doanh nghiệp cần nhìn nhận để cơ cấu về mặt nguyên liệu cũng như công nghệ, nhằm đáp ứng được yêu cầu về thương mại xanh, đặc biệt là đoạn sắp tới.

 

dt

Xuất khẩu hàng hóa qua cảng phía Bắc. (Ảnh: Đức Duy)


Xuất khẩu những tháng cuối năm được dự báo vẫn tiếp tục gặp khó khăn do khả năng phục hồi kinh tế ở nhiều quốc gia còn chậm, theo các chuyên gia, để có thể đạt được mức tăng trường cao cần tạo thêm nhiều động lực để thúc đẩy mạnh mẽ hai chân kiềng quan trọng là đầu tư công và tiêu dùng trong nước, trong đó, điểm nhấn vẫn là cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thị trường.

 

Áp lực thị trường xuất khẩu

 

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, năm 2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó chịu tác động trực tiếp từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất-tỷ giá.

Ở trong nước, mặc dù nền kinh tế đã có bước phục hồi nhờ các giải pháp đồng bộ như ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số…

Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiếu đơn hàng, giá xăng dầu, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải còn ở mức cao, áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu… tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động.

Báo cáo tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Theo đó, kịch bản 1, tăng trưởng GDP năm 2023 dự kiến đạt 6% và kịch bản 2 tăng trưởng cả năm có thể đạt 6,5%, đồng thời cơ quan này cũng nhận định, trong thời gian tới, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; gia tăng đóng góp của số hoá, công nghệ cao vào tăng trưởng; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài…

 

Tập trung giải pháp kích cầu

 

Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp còn khó khăn do chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo còn thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm. Hơn nữa, giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong 6 tháng cuối năm và trong thời gian tới về xuất khẩu doanh nghiệp đang khó khăn vì cầu của thế giới giảm rất mạnh.

Vì vậy, trong bối cảnh này, hệ thống xúc tiến thương mại và cơ quan thương vụ cùng nhiều tổ chức liên quan cần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

“Việt Nam đang có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nhưng có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, cho nên khả năng tự khai mở thị trường là rất khó, cho nên cần khởi động một chương trình rất mạnh mẽ để đi mở mang thị trường, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng, thậm chí mở cửa những thị trường mới mà doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được và cần có những những động lực cho xuất khẩu như vậy,” ông Tuấn nói.

Ý kiến bạn đọc